Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025
spot_img

Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam (phần 2)

Share

II. Phong trào công nhân công đoàn Việt Nam trong giai đoạn 1930-1945

1. Thời kỳ 1930 – 1936

Vừa ra đời, bất chấp sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, Công hội đỏ vẫn tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức CNLĐ liên tục đấu tranh chống áp bức bóc lột, lãnh đạo công nhân đoàn kết cùng nhân dân lao động bước vào cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi, liên tục để giành độc lập cho dân tộc. Mở đầu thời kỳ đấu tranh oanh liệt đó là cao trào cách mạng 1930 -1931 với trận ra quân đầu tiên của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy Cưa, nhà máy Diêm Bến Thuỷ (thành phố Vinh – Nghệ An) đúng vào ngày 1/5/1930, tiến tới thành lập Xô viết công nông ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong thời gian này, Công hội đỏ đã cử hơn 300 cán bộ về nông thôn phối hợp tranh đấu, xây dựng khối liên minh công nông trong chiến đấu.

Trong năm 1930, đã có 98 cuộc đấu tranh với trên 6 vạn lượt thợ thuyền tham gia. ở Nhà máy Sợi Nam Định số hội viên đã tăng từ 400 lên 1.000 người. ở Vinh – Bến Thuỷ đã có 15 tổ Công hội đỏ với 125 hội viên. ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, đã có 12 cơ sở Công hội đỏ với 700 hội viên . Phong trào đấu tranh của công nhân và sự phát triển của tổ chức Công Hội đỏ Việt Nam, đã được Đại hội V Quốc tế Công hội đỏ tại Matxcơva ngày 15/8/1930 biểu dương, khích lệ.

Tháng 10/1930 Đảng cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, thông qua Luận cương chính trị của Đảng. Ngày 20/1/1931, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương mở hội nghị công vận Đông Dương tại Sài Gòn do đồng chí Trần Phú chủ trì. Hội nghị xác định công tác vận động công nhân là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của toàn Đảng đề ra quy tắc tổ chức Công hội theo ngành sản nghiệp, từng phân bộ tỉnh, Liên hiệp Công hội các tỉnh, từng xứ đến Tổng Công hội Đông Dương. Hội nghị bầu Ban Công vận Trung ương do đồng chí Trần Phú làm trưởng ban.

Từ đầu năm 1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam. Cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp đã bắt giam, bắn chết hàng vạn chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng tham gia phong trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đến cuối năm 1931, hầu hết số cán bộ Đảng và Công hội đỏ đều bị địch bắt, khiến cho mối liên lạc giữa Đảng và quần chúng, giữa Công hội đỏ và phong trào công nhân tưởng như bị đứt đoạn. Thêm vào đó, nạn khủng hoảng kinh tế vẫn trầm trọng và kéo dài làm cho 8 vạn người thất nghiệp, tiền lương của những công nhân còn có việc làm không ngừng bị bớt xén. Chủ tư bản dùng mọi mánh khoé để bóc lột công nhân.

Nhờ sự nỗ lực, kiên cường của Đảng và nhiệt tình cách mạng của giai cấp công nhân, từ năm 1932 phong trào cách mạng trong cả nước đã bắt đầu được phục hồi. Năm 1932, cơ quan thanh tra lao động Pháp đã phải giải quyết 230 vụ đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống khủng bố của công nhân. Năm 1933 có 244 vụ. Riêng ở Bắc Kì, từ năm 1931 đến năm 1935 có 551 vụ. Các cuộc đấu tranh đã thu hút công nhân của nhiều ngành tham gia, trong đó đáng chú ý là các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền trồng cây công nghiệp. Từ tháng 6/1932 đến tháng Giêng năm 1933 có 5 cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền thuộc các tỉnh Biên Hoà, Hà Tiên, Pleiku, Gia Định, Quảng Nam… Từ giữa năm 1934, phong trào công nhân đã khôi phục trở lại, mở đầu bằng cao trào bãi công của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn. Hội nghị Trung ương tháng 6 năm 1934 của Đảng và Đại hội Đảng lần thứ nhất (tháng 3 năm 1935) đã đề ra nhiệm vụ của Công hội đỏ là phát triển và củng cố các Công hội, chủ trương đưa cán bộ công hội xâm nhập vào nhà máy, sản nghiệp…

2. Thời kỳ 1936 – 1939

Từ năm 1936 đến năm 1939 phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam có những thay đổi lớn. Năm 1935, phong trào cách mạng thế giới phải đối đầu với chủ nghĩa phát xít, hình thức chuyên chính cực đoan nhất của chủ nghĩa đế quốc và nguy cơ chiến tranh thế giới đã đến gần. Tình hình đó đòi hỏi phải có sự thay đổi chỉ đạo chiến lược của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cộng sản và công nhân thế giới. ở Việt Nam giai cấp công nhân đã lập ra các tổ chức ái hữu (1936-1937) chủ yếu theo nghề nghiệp, làm bước trung gian tiến tới đòi tự do nghiệp đoàn.

Tổ chức Công hội đỏ đổi tên thành Hội ái hữu, chuyển sang thời kì hoạt động bán công khai. Mục tiêu của phong trào công nhân thời kì này là đòi tự do nghiệp đoàn, đòi thực hiện dân sinh dân chủ, nhằm tập hợp quần chúng rộng rãi, Hội ái hữu chủ trương thu nhận mọi công nhân lao động miễn là họ chấp nhận Điều lệ hoạt động nghiệp đoàn. Nhiều hình thức tổ chức có tính linh hoạt như: Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội nghề nghiệp… được thành lập.

Nhờ tổ chức linh hoạt, thích hợp, công khai và bán công khai, phong trào công nhân phát triển mạnh. Từ năm 1936 đến năm 1939, có hàng vạn cuộc đấu tranh của công nhân buộc thực dân Pháp phải chấp nhận một số yêu cầu: tăng lương, giảm giờ làm, tự do hoạt động nghiệp đoàn, tự do hội họp, chống chủ sa thải và đánh đập công nhân. Đến năm 1938, cả nước có 12 vạn đoàn viên nghiệp đoàn, chủ yếu ở Bắc kì và Nam kì. Một số nơi có phong trào công nhân phát triển mạnh như: Hòn Gai, Nam Định, Hà Nội, Vinh – Bến Thuỷ, Cao su Phú Riềng…

Tóm lại, tổ chức Hội ái hữu thời kì 1936-1939, đã trực tiếp dẫn dắt phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam, mở rộng tính quần chúng của tổ chức công đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Hội ái hữu đã tiến hành một cuộc vận động sôi nổi trong phong trào công nhân, kết hợp đấu tranh công khai và bán công khai, mở rộng đấu tranh ở nghị trường, buộc thực dân Pháp phải thi hành một số cải cách xã hội chưa từng có trong xã hội Việt Nam . Trong thời kì này, chủ nghĩa Mác-Lênin được công khai truyền bá trong công nhân, nhân dân lao động, trực tiếp giáo dục chính trị cho hàng triệu quần chúng, tạo nên một cao trào cách mạng trong cách mạng Việt Nam.

3.Thời kỳ 1939 – 1945

Năm 1939, lấy cớ phục vụ chiến tranh, bọn phản động thuộc địa ban hành nhiều chính sách cưỡng bức lao động. Công nhân bị ép buộc đi xây dựng đường chiến lược, pháo đài, giao thông hào. Ngày 28/9/1939, thực dân Pháp ra sắc lệnh giải tán các Hội ái hữu, bắt trên 2.000 hội viên. Ngày 10/11/1939, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tăng giờ làm việc, 60 giờ đối với công nhân nam, 54 giờ/ tuần đối với công nhân nữ và trẻ em và còn đe doạ tăng lên 72 giờ/ tuần đối với một số xưởng kĩ nghệ có liên quan đến chiến tranh. Số quyền lợi ít ỏi về chế độ lao động và tự do, dân chủ mà công nhân giành được trong cao trào 1936 -1939 đã bị bọn phản động thuộc địa thủ tiêu.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng quyết định thành lập “Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”. Tổ chức “Hội công nhân phản đế” chủ trương tổ chức các nhóm 3 người gọi là “Tam tam chế” do một đảng viên phụ trách, với nhiệm vụ là đấu tranh bảo vệ lợi ích hàng ngày của công nhân, làm cách mạng lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến, giải phóng giai cấp và dân tộc. Trong điều kiện ấy, các cuộc bãi công vẫn nổ ra; từ giữa năm 1939 đến giữa năm 1940, công nhân còn lợi dụng Hội đồng hòa giải để đấu tranh hợp pháp chống các hành động bóc lột, đàn áp của chủ tư bản. Theo thống kê, Hội đồng hoà giải đã phải giải quyết 1.647 vụ xung đột cá nhân và 100 vụ xung đột tranh chấp tập thể.

Cuối năm 1940, Nhật kéo quân vào Đông Dương, tình thế cách mạng chuyển sang một bước mới. Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành TW Đảng( tháng 5-1941) quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh); “Hội công nhân phản đế” đổi tên thành “ Hội công nhân cứu quốc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với hình thức tổ chức thích hợp, mục tiêu đấu tranh rõ ràng, phong trào công nhân cứu quốc phát triển mạnh mẽ ở Bắc Kì, Trung kì, nhất là ở các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai…

Bước sang năm 1941, các nơi đã xuất hiện hình thức tiền vũ trang của công nhân. Ngoài các cuộc đấu tranh chống sự bóc lột về kinh tế của chủ tư bản, phong trào đấu tranh của công nhân đã mang nội dung chống phát xít, chống chiến tranh tiến tới thành lập các tổ chức tự vệ vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Năm 1942, một số cuộc bãi công có quy mô lớn như: Cuộc bãi công của 700 công nhân các đồn điền cao su An Lộc, Xuân Lộc (Biên Hoà), các cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy giấy Việt Trì, công nhân công trường sân bay Gia Lâm… Bên cạnh các khẩu hiệu đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập… đã xuất hiện các khẩu hiệu đòi Pháp – Nhật bán nhiều gạo.

Năm 1943, đời sống và việc làm của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Song với tinh thần cách mạng kiên cường, giai cấp công nhân và Hội công nhân cứu quốc vẫn phát triển. Phong trào đấu tranh trên các địa bàn trọng yếu như Hà Nội, Việt Trì, Nghệ An… được tổ chức với quy mô lớn. Với sự kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị và nửa vũ trang theo tổ, nhóm.

Đến năm 1944 đã hình thành nhiều xưởng quân giới bí mật, nòng cốt là công nhân cứu quốc chiến khu Đông Triều, Vinh – Bến Thuỷ và ở thời điểm này, tổng số hội viên Hội công nhân cứu quốc có trên 13 vạn, trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng.

Đầu năm 1945, Hội Công nhân cứu quốc đã lãnh đạo cuộc đấu tranh phá kho thóc của Nhật ở Bắc Ninh, Hà Nội … chia cho dân nghèo. Từ giữa tháng 3 năm 1945, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi. Tháng 8 năm 1945, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng với nhân dân cả nước đánh đổ phát xít Nhật và chính quyền phong kiến, giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu á.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục